Danh mục sản phẩm

Hỗ trợ trực tuyến

  • 0932 161 856 / 0937 648 645

  • Hỗ trợ online

  • Mr Minh (0937 648 645) Mr Minh Mr Minh
  • Ms Bình (093 2161856 ( Zalo ) Ms Bình Ms Bình
  • Thông tin liên hệ

  • Điện thoại : 093 2161856, 028 37628424
  • Email : hoahaoco@yahoo.com.vn

Video Clip

Thống kê truy cập

Đang Online : 2

Hôm nay : 58

Tháng này : 1949

Tổng truy cập :

Hướng đi nào cho sự phát triển của công nghiệp phụ trợ Việt Nam ?

Hướng đi nào cho sự phát triển của công nghiệp phụ trợ Việt Nam?

Công nghiệp phụ trợ là ngành sản xuất các sản phẩm hỗ trợ cho việc chế tạo các sản phẩm chính của ngành công nghiệp chế tạo, lắp ráp. Việc phát triển công nghiệp phụ trợ sẽ gia tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp, giảm giá thành sản xuất. Đánh giá đúng vị trí của ngành công nghiệp này trong nền kinh tế nên Nhà nước cũng đã dành chính sách ưu đãi để phát triển, tuy nhiên, đến nay, cho dù đã gia nhập WTO được hơn 1 năm, ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam vẫn "suy dinh dưỡng".

Thực trạng

    Năm 2007, nhập siêu đạt con số kỷ lục 12,443 tỷ USD, bộ Công Thương dự báo năm 2008 nhập siêu sẽ xác lập một kỷ lục mới, có thể lên đến trên 17 tỷ USD. Một trong những nguyên nhân khiến nhập siêu tăng phi mã được các chuyên gia kinh tế đưa ra là sự yếu kém của nền công nghiệp phụ trợ. Đây cũng được coi là động lực quan trọng giúp ngành công nghiệp chế tạo ngày càng “thoát ly” được phụ tùng, linh kiện nước ngoài, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng nội địa. Một lần nữa vấn đề phát triển công nghiệp phụ trợ, tăng công tác nội địa hóa lại được đưa ra bàn bạc và nhắc lại.

    Gần 2 thập kỷ phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhưng ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam vẫn ì ạch leo dốc. Điển hình là việc công ty Daihatsu ròng rã khảo sát hàng tháng trời hơn 60 doanh nghiệp Việt Nam, vẫn không thể tìm ra được nhà cung cấp linh phụ kiện đạt yêu cầu. Trong khi đó, Canon cũng phải mất một thời gian dài mới tìm được nhà cung cấp tại Việt Nam, song 90% trong số đó lại là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đó là những ví dụ sinh động để mô phỏng về thực trạng ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam.

    Thậm chí, “5 năm trước, khi đầu tư vào Việt Nam, đại diện Công ty Fujitsu đã lặn lội đi tìm đến 64 doanh nghiệp trong nước mà không mua nổi... cái ốc vít”. Đó là ví dụ  TS. Phạm Thị Thu Hằng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanhnghiệp nhỏ và vừa nêu trong một cuộc hội thảo về phát triển ngành công nghiệp phụ trợ gần đây. Điều này cho thấy trình độ chuyên môn hóa và khả năng đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm của nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn rất thấp. Khảo sát của tổ chức Jetro (Nhật Bản) cũng cho thấy điều đó, khảo sát 68 doanh nghiệp của Nhật đang hoạt động tại Việt Nam thì có tới 50-90% linh phụ kiện vẫn phải nhập từ nước ngoài.

    Hiện nay, ngoại trừ ngành sản xuất xe máy được coi là ngành có công nghiệp phụ trợ cao nhất với tỷ lệ nội địa hóa gần 80%, các ngành còn lại tỷ lệ này là rất thấp. Ngay cả những ngành được đánh giá là mạnh với kim ngạch xuất khẩu nhiều tỷ USD như: giày da, may mặc, điện tử... song do nguồn "đầu vào" vẫn phải phụ thuộc rất nhiều từ nhập khẩu nên giá trị gia tăng mới còn thấp. Ngành dệt may-da giày, một ngành có kim ngạch xuất khẩu nằm trong top 10 về giá trị của Việt Nam song lại có tỉ lệ nội địa hóa lại rất thấp. 80% vải, da, vải giả da và các phụ liệu như chỉ khâu cao cấp, nút áo, khóa kim loại… vẫn phải nhập khẩu. Các phụ liệu trong nước sản xuất được như: vài loại vải, khóa kéo… thì lại ít được sử dụng trong các sản phẩm xuất khẩu. Các ngành khác như: ngành nhựa, cơ khí, sản xuất bao bì, sản xuất nguyên vật liệu.. cũng phải nhập nguyên phụ liệu.

    Ngành công nghiệp điện tử, một ngành được coi là xương sống của công nghiệp Việt Nam cũng nằm trong tình trạng đó. Hiện nay, mới chỉ có 1/4 số doanh nghiệp trong ngành sản xuất phụ tùng linh kiện, nhưng phần lớn lại là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và sản phẩm chủ yếu lại để xuất khẩu. Thêm vào đó, tỷ lệ nội địa hoá sản phẩm trong ngành rất thấp, mới chỉ đạt được khoảng 20%, chủ yếu là bao bì, linh kiện nhựa. Trong khi đó, chất lượng sản phẩm của ngành này còn yếu và không ổn định. Đặc biệt là ngành công nghiệp ô tô, tỷ lệ nội địa hóa rất thấp, mới chỉ đạt 5-10%, công nghiệp phụ trợ chỉ cung cấp được vài sản phẩm đơn giản, giá trị thấp: bộ dây điện trong xe, ghế ngồi và một số chi tiết bằng nhựa, kim loại…

    Nguyên nhân gây ra thực trạng trên được nhắc đến nhiều nhất là do số doanh nghiệp Việt Nam làm công nghiệp phụ trợ rất ít, trình độ công nghệ thấp, lạc hậu so với khu vực 10-15 năm. Đã vậy, rất hiếm khi có các doanh nghiệp mạnh dạn đến đề nghị làm nhà cung cấp cho cho các tập đoàn, công ty lớn, họ chủ yếu tham gia khâu đóng gói, bao bì. Các doanh nghiệp cung cấp linh kiện hiện nay chủ yếu là các nhà cung cấp linh kiện Nhật Bản đang đầu tư vào Việt Nam, tiếp theo là các doanh nghiệp Đài Loan, cuối cùng mới là các doanh nghiệp Việt Nam. Vừa qua, một số doanh nghiệp sản xuất linh kiện nước ngoài có ý định "nhập cư" tại Việt Nam, nhưng họ lại đang “chùn chân” bởi nhu cầu tại chỗ về sản phẩm còn quá nhỏ bé và môi trường kinh doanh, đầu tư ở Việt Nam vẫn bị đánh giá là chưa thực sự hấp dẫn.

    Tiềm năng phát triển

    Những năm gần đây, luồng vốn đầu tư nước ngoài theo chân các tập đoàn, các tổng công ty, doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là rất lớn. Năm 2007, Việt Nam đã thu hút được 20,3 tỷ USD vốn đầu tư từ nước ngoài, tăng 69,3% so với năm trước, vượt 53,2% kế hoạch dự kiến năm, đây là mức vốn lớn nhất từ khi Việt Nam mở cửa hội nhập với thế giới và khu vực. Các nhà sản xuất Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… đang có xu hướng chuyển dần công nghệ và nhà máy vào Việt Nam. Điều này kéo theo nhu cầu cao về linh kiện tại chỗ  của các nhà sản xuất này nhằm hạ giá thành sản phẩm. Một cơ hội để các nhà  cung ứng nội địa tận dụng.

    Tuy nhiên, tận dụng cơ hội này không dễ khi mà yêu cầu về chất lượng sản phẩm của các nhà đặt hàng là rất cao, không phải nhà cung ứng Việt Nam nào cũng có thể đáp ứng. Trong khi các doanh nghiệp Việt Nam luôn gặp những khó khăn muôn thuở như ít vốn, công nghệ, trình độ quản lý, khả năng tiếp thị còn hạn chế... Đây cũng là những rào cản khiến số lượng và sự phát triển các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp phụ trợ bị hạn chế.

    Thực tế, Việt Nam có tiềm năng lớn về phát triển công nghiệp phụ trợ, trong đó cơ bản dựa trên khả năng tiếp thu công nghệ mới và sự khéo tay của người thợ. Một chuyên gia kinh tế Nhật Bản nhận định, so với Thái Lan, một trong những quốc gia hàng đầu về công nghiệp phụ trợ, Việt Nam không chỉ theo kịp mà còn có thể vượt qua. Tuy nhiên, phải làm sao biến tiềm năng trở thành hiện thực? Điều này cần phải có sự nỗ lực của không chỉ các các doanh nghiệp mà còn của cả cơ quan Nhà nước. Trong đó yêu cầu hàng đầu là đào tạo nhân lực, các doanh nghiệp phải đảm bảo được các yếu tố chất lượng hàng hóa, giảm giá thành, tuân thủ nghiêm ngặt thời hạn giao hàng, bảo vệ môi trường đồng thời phải phát triển nhanh hạ tầng giao thông, cầu cảng...

    Ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam sẽ ngày càng “còi cọc” nếu không có những biện pháp đúng đắn và kịp thời.

    Hướng đi nào để phát triển?

    Với quan điểm phát triển công nghiệp phụ trợ là khâu đột phá để phát triển nhanh và bền vững các ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam, quy hoạch phát triển công nghiệp phụ trợ giai đoạn đến năm 2010, tầm nhìn 2020 đã được thông qua. Theo đó, ngành dệt - may cần phát triển nhanh các sản phẩm phụ trợ để sản xuất hàng xuất khẩu nhằm nâng cao tính chủ động trong sản xuất và khả năng cạnh tranh của sản phẩm dệt may trên thị trường. Ngành da giày cần tập trung khai thác mọi nguồn lực và khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành. Ngành điện tử - tin học sẽ phát huy lợi thế về nguồn nhân lực trẻ, tập trung đầu tư đào tạo nguồn nhân lực để làm chủ công nghệ cao, tạo điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển sản xuất linh, phụ kiện cho ngành. Và ngành cơ khí, chế tạo sẽ tập trung phát triển các chi tiết cơ khí nền tảng phục vụ sản xuất, lắp ráp các sản phẩm cơ khí trọng điểm, chủ yếu thay thế dần việc nhập khẩu, sau đó hướng tới xuất khẩu và gắn liền với việc phục vụ các ngành khác kinh tế quốc dân khác…

    Như vậy hướng đi đã có, nhưng theo nhiều chuyên gia kinh tế, cần phải có sự hỗ trợ của Chính phủ, trước mắt là thiết lập một cơ quan đầu mối tạo sự chuyên nghiệp về công nghiệp phụ trợ. Mặc dù hiện Việt Nam đã có 3 trung tâm hỗ trợ kỹ thuật cho công nghiệp phụ trợ tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng với mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp lắp ráp; tạo ưu đãi cần thiết cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực phụ trợ; tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ... nhưng đây không phải là đầu mối chính thức. Điều này đã khiến các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn. Vì thế, Nhà nước cần nhận diện lại vấn đề và tham gia tích cực bằng cách lập ra một cơ quan đầu mối giúp các doanh nghiệp sản xuất cung cấp linh kiện nội địa tiếp xúc với khách hàng. Trong đó chính quyền địa phương có vai trò quan trọng, thông qua việc quan tâm đến chính sách khuyến khích các doanh nghiệp phụ trợ phát triển tại các địa phương.

    Việt Nam đã gia nhập WTO, hàng rào thuế quan giảm và các chi tiết cùng linh kiện theo đó cũng được giảm thuế, dẫn đến chi phí trở nên rẻ hơn. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cơ hội của doanh nghiệp nhỏ và vừa trên con đường chiếm lĩnh thị phần. Vậy nên, Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể dễ dàng tiếp cận được với nguồn vốn vay dài hạn cho đầu tư phát triển. Cụ thể thành lập hệ thống ngân hàng phục vụ các doanh nghiệp nhỏ và vừa với cơ chế bảo lãnh vay tín dụng thông thoáng hơn. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện về nguồn vốn cho các hoạt động khuyến công, hỗ trợ phát triển khoa học - công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc đầu tư nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới. Nhà nước cũng cần đẩy mạnh việc thuê mua tài chính để các doanh nghiệp đủ năng lực thuê mua sắm máy móc, thiết bị, công nghệ mới, nâng cao khả năng phát triển và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp này. Cần sử dụng nguồn vốn ODA trong việc hỗ trợ đào tạo lao động, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ còn yếu kém trong nước.

    Đồng thời, các cơ quan quản lý Nhà nước cần có khái niệm rõ ràng và xác định tầm quan trọng của công nghiệp phụ trợ từ đó lựa chọn các ngành trọng điểm để đầu tư, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nền công nghiệp phụ trợ. Hoàn thiện, ban hành mới các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với các sản phẩm công nghiệp, xây dựng các rào cản kỹ thuật cần thiết cho từng ngành, từng chủng loại sản phẩm.

    Cho dù đã có một bản quy hoạch chi tiết để phát triển nền côngnghiệp phụ trợ và cho dù Nhà nước có những biện pháp cần thiết và đúng lúc thì cũng khó có thể đưa ngành công nghiệp đi lên nếu bản thân các doanh nghiệp chưa thực sự “xông pha”. Thực tế ngành công nghiệp ô tô đã minh chứng điều này. Bộ Công nghiệp trước  kia cũng đã vạch ra một chiến lược dài hơi đến năm 2020 cùng bản quy hoạch khá chi tiết cho công nghiệp phụ trợ cho ngành này. Nhưng, hiện nay, các dự án được cấp phép lại là lắp ráp chứ không phải là sản xuất. Do đó, các doanh nghiệp cũng cần phải cải tổ bản thân. Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn làm ăn theo cung cách “chộp giật”, thiếu tính chuyên nghiệp. Điều này khiến họ bị đánh mất lòng tin của khách đặt hàng, khó tìm được nguồn hỗ trợ để phát triển. Vì thế, việc xây dựng thương hiệu, tạo niềm tin ở khách hàng là điều cần làm ngay lúc này.

Nguồn: Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 6